Hỏi: Công ty tôi đăng ký loại hình Công ty TNHH hai thành viên trở lên với 4 thành viên từ năm 2018. Số vốn Điều lệ ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là 30.000.000.000 đồng. Hiện nay, Công ty tôi có nhu cầu giảm vốn Điều lệ của xuống 8.000.000.000 đồng. Xin luật sư tư vấn giúp tôi thủ tục tiến hành. Xin cảm ơn.
Trả lời:
Căn cứ Luật Doanh nghiệp 2014; căn cứ Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng kí doanh nghiệp, Le & Associates xin giải đáp thắc mắc của bạn như sau:
Về việc giảm vốn Điều lệ
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 68 Luật Doanh nghiệp 2014, Công ty TNHH hai thành viên trở lên có thể giảm vốn Điều lệ bằng một trong các hình thức sau:
- Hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 02 năm, kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên;
- Công ty mua lại phần vốn góp của thành viên;
- Vốn điều lệ không được các thành viên thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định.
Đối chiếu với trường hợp của công ty bạn, do Công ty mới được thành lập từ năm 2018 nên tính đến thời điểm hiện tại, Công ty chưa đủ thời hạn 02 năm hoạt động để hoàn trả phần vốn góp cho thành viên (phương án (i)).
Đối với phương án (ii), theo quy định tại Điều 52 Luật Doanh nghiệp, việc mua lại phần vốn góp của thành viên chỉ được thực hiện nếu thành viên đó đã bỏ phiếu không tán thành đối với nghị quyết của Hội đồng thành viên về vấn đề sau đây:
- Sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên;
- Tổ chức lại công ty;
- Các trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.
Việc Công ty mua lại phần vốn góp của thành viên sẽ dẫn đến việc người bán phần vốn góp không còn là thành viên Công ty, do vậy sẽ làm xáo trộn cơ cấu tổ chức của Công ty. Việc giảm vốn theo phương án này tương đối phức tạp và đòi hỏi thực hiện qua các bước:
- Bước 1: Các thành viên chuyển nhượng một phần vốn góp cho một thành viên để thành viên nhận chuyển nhượng sở hữu số vốn 22 tỷ đồng. Số vốn này sẽ được Công ty mua lại.
- Bước 2: Thành viên sở hữu số vốn 22 tỷ đồng phản đối nghị quyết của Hội đồng thành viên về một trong các vấn đề như việc sửa đổi Điều lệ, tổ chức lại Công ty… và đề nghị Công ty mua lại vốn góp của mình.
- Bước 3: Công ty mua lại phần vốn góp của thành viên và đăng ký giảm vốn Điều lệ.
Kết quả của phương án này là Công ty sẽ điều chỉnh được vốn Điều lệ về mức 8 tỷ đồng và còn lại 03 thành viên với tỷ lệ vốn như mong muốn. Tuy nhiên, trường hợp Công ty mua lại vốn góp của thành viên thường chỉ áp dụng khi Hội đồng thành viên không thống nhất được ý kiến và một (hoặc một số) thành viên không muốn tiếp tục tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp. Công ty cũng phải đảm bảo về khả năng thanh toán khoản vốn mua lại của thành viên (22 tỷ) cũng như khả năng thanh toán nợ sau khi giảm vốn. Ngoài ra, việc triển khai theo phương án này sẽ mất nhiều thời gian, công sức và yêu cầu thành phần hồ sơ phức tạp.
Đối với phương án giảm vốn (iii), phương án này chỉ được áp dụng trong trường hợp thành viên Công ty chưa góp đủ số vốn như đã cam kết. Việc góp vốn của thành viên được ghi nhận trong Báo cáo tài chính kỳ gần nhất của Công ty. Do vậy, để thực hiện phương án này, Báo cáo tài chính của Công ty phải thể hiện các thành viên Công ty mới chỉ góp được 8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, thời hạn góp vốn của thành viên Công ty là 90 ngày kể từ ngày Công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Như vậy, trường hợp này, các thành viên Công ty đã vi phạm về thời hạn góp vốn. Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, Công ty có thể bị xử phạt với mức phạt từ 10 đến 20 triệu đồng do không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký.
Trên đây là tư vấn của Le & Associates về thủ tục giảm vốn điều lệ và chuyện nhượng vốn góp. Le & Associates cung cấp các dịch vụ Thành lập công ty; Tư vấn pháp luật thường xuyên; Tư vấn pháp lý trong quá trình hoạt động của công ty;…Để được hướng dẫn chi tiết hoặc tìm hiểu về dịch vụ pháp lý của chúng tôi, mời Quý khách hàng liên hệ tới tổng đài 1900 6239 hoặc tới trụ sở/chi nhánh Công ty chúng tôi để được tư vấn trực tiếp.