Kỳ 3: Tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực lao động và đảm bảo quyền & lợi ích của người lao động
13. Tuyển dụng và ký kết Hợp đồng lao động
13.1 Tuyển dụng
Lực lượng lao động đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Vì vậy, việc tuyển dụng lao động là một trong những công việc đầu tiên mà doanh nghiệp cần phải làm một cách cẩn thận trước khi bắt đầu hoạt động kinh doanh.
a. Hình thức tuyển dụng
Doanh nghiệp có quyền trực tiếp hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp cho thuê lại lao động để tuyển dụng lao động.
b. Thủ tục, trình tự tuyển dụng
Pháp luật lao động quy định việc tuyển dụng lao động phải thực hiện theo trình tự sau:
Lưu ý:
- Người lao động có nhu cầu trả lại hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động theo quy định tại Khoản 7.5 Nghị định số 03/2014/NĐ-CP phải thực hiện yêu cầu bằng văn bản trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày thông báo kết quả tuyển lao động.
- Trường hợp người lao động không trúng tuyển hoặc không tham gia dự tuyển, doanh nghiệp hoặc tổ chức dịch vụ việc làm hoặc doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải trả lại đầy đủ hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động yêu cầu.
13.2 Ký kết Hợp đồng lao động
Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì doanh nghiệp phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động. Bộ luật Lao động năm 2019 định nghĩa: ‘‘Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động’’. Việc ký kết hợp đồng phải đảm bảo một số tiêu chí sau:
a. Nguyên tắc giao kết hợp đồng:
- Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực;
- Tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.
b. Loại hợp đồng lao động
Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
- Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
c. Hình thức hợp đồng lao động
- Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản;
- Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản;
- Đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 Bộ luật Lao động năm 2019.
d. Nội dung hợp đồng lao động
Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
- Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân/CMND/ Hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
- Công việc và địa điểm làm việc;
- Thời hạn của hợp đồng lao động;
- Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
- Chế độ nâng bậc, nâng lương;
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
- Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
14. Báo cáo sử dụng lao động
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động, doanh nghiệp phải khai trình việc sử dụng lao động với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (nếu doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp) nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện. Số lượng người lao động khai trình không bao gồm những người đang thử việc.
Thành phần hồ sơ bao gồm:
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Bảng khai trình sử dụng lao động (Mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư 23/2014/TT-BLĐTBXH).
Lưu ý: Doanh nghiệp vẫn phải thực hiện khai trình sử dụng lao động nếu đến thời gian 30 ngày mà vẫn chưa có lao động làm việc tại doanh nghiệp.
15. Thông báo về số lao động làm việc tại doanh nghiệp mới thành lập
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thành lập, doanh nghiệp có trách nhiệm gửi Thông báo ban đầu về số lao động đang làm việc tại đơn vị (Mẫu số 28 ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH) về Trung tâm dịch vụ việc làm nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
16. Xây dựng và thông báo thang lương, bảng lương và định mức lao động
Doanh nghiệp nhất thiết phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động của mình. Đây là cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.
Doanh nghiệp phải căn cứ theo Mức lương tối thiểu vùng hiện hành để quy định mức lương cho từng chức danh, công việc, nhóm công việc sao cho phù hợp với các nguyên tắc mà pháp luật quy định.
Doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở) khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động.
Thang lương, bảng lương và mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện
Ảnh: disruptiveadvertising.com
17. Xây dựng và đăng ký nội quy lao động
Doanh nghiệp phải ban hành nội quy lao động, nếu sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì phải có nội quy lao động bằng văn bản.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ban hành nội quy lao động thì doanh nghiệp phải nộp hồ sơ đăng ký nội quy lao động tại cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh
Trường hợp doanh nghiệp có các chi nhánh, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh đặt ở nhiều địa bàn khác nhau thì gửi nội quy lao động đã được đăng ký đến cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt chi nhánh, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
18. Thành lập công đoàn cơ sở
Doanh nghiệp có từ 05 đoàn viên công đoàn, hoặc người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam, đủ điều kiện thành lập tổ chức Công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì chậm nhất 06 tháng kể từ ngày doanh nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động, doanh nghiệp sẽ phải thành lập tổ chức công đoàn theo quy định của pháp luật.
Nếu quá thời hạn trên mà doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn thì công đoàn cấp trên sẽ có quyền chỉ định Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời của doanh nghiệp.
***
Trên đây là một số vấn đề mà mỗi doanh nghiệp mới thành lập cần lưu ý triển khai nhằm đảm bảo sự tuân thủ pháp luật. Le & Associates hy vọng rằng, qua bài viết này Quý bạn đọc đã có thêm thông tin hữu ích để chủ động thực hiện những công việc cần thiết cho doanh nghiệp của mình đúng theo quy định của pháp luật.
Xin vui lòng liên hệ với Chúng tôi nếu Quý bạn đọc có vấn đề pháp lý cần tư vấn thông qua hotline, email hoặc địa chỉ của Công ty.
Ảnh bìa: freepik.com