THỦ TỤC ĐĂNG KÝ NHẬN NUÔI CON NUÔI
ĐỐI VỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI THƯỜNG TRÚ TẠI VIỆT NAM
1. Căn cứ pháp lý:
- Luật nuôi con nuôi 2010
- Nghị định số 19/2011/NĐ – CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật nuôi con nuôi.
- Thông tư 24/2014/TT – BTP ngày 29/12/2014 Sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2011/TT-BTP ngày 27/6/2011 của Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng biểu mẫu nuôi con nuôi
2. Trình tự thực hiện:
Bước 1. Người nhận con nuôi nộp hồ sơ của mình và của người được nhận làm con nuôi tại Sở Tư pháp nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú;
Bước 2. Sở Tư pháp kiểm tra hồ sơ, lấy ý kiến của những người có liên quan;
Bước 3. Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định;
Bước 4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi;
Bước 5. Sở Tư pháp đăng ký việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch
3. Cách thức thực hiện:
Người có yêu cầu phải trực tiếp nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả – Sở Tư pháp (không được ủy quyền cho người khác nộp thay)
4. Nơi tiếp nhận: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính – Sở Tư pháp
5. Thành phần hồ sơ:
Hồ sơ của người nhận con nuôi:
- Đơn xin nhận con nuôi (theo mẫu)
- Bản sao Hộ chiếu, CMND hoặc giấy tờ có giá trị thay thế (kèm bản chính để đối chiếu)
- Phiếu lý lịch tư pháp (Bản chính, được cấp chưa quá 06 tháng)
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (Bản sao kèm bản chính để đối chiếu nếu là Giấy chứng nhận kết hôn hoặc bản gốc nếu là giấy xác nhận tình trạng độc thân).
- Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp (Bản chính, được cấp chưa quá 06 tháng)
- Văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế (UBND cấp xã nơi người nhận thường trú cấp – (Bản chính, được cấp chưa quá 06 tháng)
Chú ý:
- Đối với người xin nhận con nuôi là cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng hoặc cô, dì, chú, bác, cậu nhận cháu thì không cần Giấy khám sức khỏe và các văn bản xác nhận tình trạng kinh tế, chỗ ở, hoàn cảnh gia đình)
- Các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp thi phải được dịch sang tiếng Việt Nam và hợp pháp hoá tại Cơ quan đại diện Ngoại giao hoặc Cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.
Hồ sơ của người được nhận làm con nuôi
- Giấy khai sinh;
- Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;
- Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;
- Biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi;
Hoặc Giấy chứng tử của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của trẻ em là đã chết đối với trẻ em mồ côi;
Hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ đẻ mất tích;
Hoặc quyết định của Tòa án tuyên cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất năng lực hành vi dân sự đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ đẻ mất năng lực hành vi dân sự;
- Quyết định tiếp nhận đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng.
6. Thời hạn giải quyết
- Thời hạn kiểm tra và lấy ý kiến của Sở Tư pháp: 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ
- Thời hạn UBND Thành phố xem xét, quyết định cho người nước ngoài thường trú tại Việt Nam nhận con nuôi: 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ do Sở Tư pháp trình
7. Đối tượng thực hiện: Người nước ngoài thường trú tại Việt Nam xin nhận trẻ em Việt Nam hiện đang thường trú tại Hà Nội làm con nuôi .
8. Cơ quan thực hiện:
- Cơ quan có thẩm quyền quyết định: UBND TP Hà Nội
- Cơ quan trực tiếp tiếp nhận và thực hiện: Sở Tư pháp Hà Nội ( phòng Hộ tịch có yếu tố nước ngoài)
- Cơ quan phối hợp (nếu có): Công an thành phố/ UBND cấp xã trên địa bàn
9. Lệ phí:
– 400.000đ /01 trường hợp.
– Miễn lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước đối với trường hợp cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi; nhận trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo và việc nuôi con nuôi ở vùng sâu, vùng xa;
10. Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai
- Đơn xin nhận con nuôi (Mẫu TP/CN-2014/CN.02);
- Tờ khai hoàn cảnh gia đình của người nhận con nuôi (mẫu sử dụng cho người nhận con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài – TP/CN-201/CN.06)
Trên đây là tư vấn của Le & Associates về thủ tục đăng ký nhận con nuôi cho người nước ngoài thường trú tại Việt Nam. Để được hướng dẫn chi tiết hoặc tìm hiểu về dịch vụ pháp lý của chúng tôi, mời Quý khách hàng liên hệ tới tổng đài 1900 6239 hoặc tới trụ sở/chi nhánh Công ty chúng tôi để được tư vấn trực tiếp.