CHỊ GÁI CÓ ĐƯỢC HƯỞNG THỪA KẾ KHI CÁC EM TRAI PHẢN ĐỐI HAY KHÔNG?
Chị Nguyễn Thị Minh (Đan Phượng, Hà Nội) hỏi: Bố mẹ tôi có 5 người con (ba người con gái, hai người con trai). Tháng 8/2009 bố tôi mất không để lại di chúc, di sản bố tôi để lại là một mảnh đất có diện tích 404m2, mảnh đất này được Nhà nước cấp và bố mẹ tôi mua thêm sau khi bố mẹ tôi kết hôn, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bố tôi. Hiện tại mẹ tôi vẫn khỏe mạnh, bà muốn chia phần đất thuộc sở hữu của bà (202m2) và phần di sản mẹ tôi được thừa kế từ bố tôi cho các con, nhưng các em trai của tôi không đồng ý vì cho rằng các chị gái không có quyền được hưởng di sản thừa kế của bố mẹ. Vậy tôi xin hỏi Quý Báo pháp luật quy định thế nào về vấn đề này ? Nếu chị em tôi được hưởng thừa kế thì chúng tôi phải làm gì để được hưởng tài sản đó ?
Trả lời
Mảnh đất có diện tích 404m2 do bố chị đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là tài sản mà bố mẹ chị có được sau khi kết hôn, mảnh đất đó là tài sản chung của bố mẹ chị nên mỗi người có quyền sở hữu 202m2 .
Bố chị mất không để lại di chúc thì tài sản của bố chị để lại (202m2) được chia đều cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất theo quy định của pháp luật, “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết” (Điều 651 Bộ luật dân sự 2015). Những người có quyền thừa kế di sản bố chị để lại bao gồm : mẹ chị, và năm người con (không phân biệt con trai hay con gái). Di sản được chia thành 6 phần bằng nhau, mỗi người được hưởng 33,66 m2.
Điều 624 Bộ luật dân sự 2015 ghi nhận “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Do vậy mẹ chị có toàn quyền lập di chúc định đoạt số tài sản mà mẹ chị sở hữu (202m 2 và 33,66 m2 được thừa kế từ bố chị) cho các con theo ý chí của mẹ chị.
Để được hưởng di sản thừa kế chị có thể yêu cầu Tòa án giải quyết phân chia di sản theo quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 về Thời hiệu khởi kiện về thừa kế :
1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Trên đây là ý kiến tư vấn của Le & Associates dựa trên các thông tin Quý Khách hàng cung cấp. Để được hướng dẫn chi tiết hoặc tìm hiểu về dịch vụ pháp lý của chúng tôi, mời Quý khách hàng liên hệ tới tổng đài 1900 6239 hoặc tới trụ sở/chi nhánh Công ty chúng tôi để được tư vấn.