MỘT SỐ LƯU Ý KHI BẢO HỘ CHƯƠNG TRÌNH MÁY TÍNH THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM
Về phạm vi lãnh thổ:
Chương trình máy tính được bảo hộ theo quyền tác giả theo thoả thuận của các Quốc gia là thành viên của Công ước Berne. Do vậy, khi một tác phẩm đã được bảo hộ tại Việt Nam thì tất cả các quốc gia thành viên của Công ước Berne đều phải tôn trọng ngay lập tức quyền tác giả của Chương trình máy tính vào thời điểm nó được công bố và ngược lại.
Chính bởi vậy, Khoản 2 Điều 13 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định những chủ thể được đảm bảo quyền sở hữu đối với chương trình máy tính gồm:
- Tác phẩm/ chương trình máy tính do tổ chức, cá nhân Việt Nam công bố;
- Tác phẩm/ chương trình máy tính do tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác; và
- Tác phẩm/ chương trình máy tính do tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo Công ước Berne.
Chủ sở hữu chương trình máy tính, tác giả và các đồng tác giả:
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tác giả của các chương trình máy tính gồm tất cả các cá nhân trực tiếp tham gia xây dựng chương trình. Các tác giả đều có quyền nhân thân đối với chương trình máy tính như quyền đặt tên, quyền đứng tên, quyền công bố và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Quy định này có thể sẽ gây khó khăn cho các tác giả khi đăng ký bảo hộ Chương tình máy tính bởi trên thực tế, số lượng người tham gia xây dựng một chương trình máy tính thường rất lớn, đặc biệt là các chương trình có quy mô lớn.
Như vậy, các tác giả, đồng tác giả có thể sẽ khó khăn trong việc xác định, thoả thuận và đăng ký tác giả cho chương trình máy tính. Kết quả là những tranh chấp liên quan đến việc đứng tên tác phẩm và/ hoặc tranh chấp liên quan đến việc đánh cắp mã nguồn máy tính có thể xảy ra.
Ảnh: medium.com
Về thời điểm phát sinh quyền sở hữu đối với chương trình máy tính:
Điều 6 – Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định thời điểm phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với Chương trình máy tính là kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
Như vậy, chương trình máy tính được bảo hộ theo cơ chế tự động mà không bắt buộc phải thực hiện bất kỳ thủ tục pháp lý nào. Tuy nhiên trên thực tế, nếu doanh nghiệp không chủ động thực hiện thủ tục đăng ký để cơ quan nhà nước ghi nhận quyền tác giả của mình đối chương trình máy tính thì khi có tranh chấp xảy ra tác giả/ chủ sở hữu tác phẩm sẽ gặp phải khó khăn và mất thời gian để chứng minh quyền sở hữu đối với chương trình máy tính. Ngoài ra, một số doanh nghiệp dự định sẽ chuyển nhượng/ li-xăng bản quyền tác giả thì việc đăng ký bản quyền tác giả là cơ sở pháp lý rõ ràng nhất để giao kết hợp đồng với đối tác.
Tính toàn vẹn của Chương trình máy tính
Một chương trình máy tính được bảo hộ khi nó được thể hiện một cách hoàn thiện, hoàn chỉnh và có khả năng làm cho máy tính đọc được, thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể. Liên quan đến đặc điểm này, nhiều công ty phát triển phần mềm/ doanh nghiệp công nghệ đã từng đặt câu hỏi với Chúng tôi rằng: Đối với Chương trình máy tính đã được đăng ký bảo hộ; trường hợp doanh nghiệp họ phát triển, nâng cấp Chương trình máy tính đó lên phiên bản mới hơn thì có phải đăng ký lại hay không?
Như đã phân tích tại mục trước, chương trình máy tính được bảo hộ theo cơ chế tự động mà không cần bắt buộc phải thực hiện bất kỳ thủ tục nào. Do vậy, kể cả khi Doanh nghiệp không đăng ký bảo hộ đối với phiên bản cập nhật thì vẫn được công nhận là chủ sở hữu của tác phẩm đó.
Tuy nhiên, có một điểm lưu ý đối với trường hợp chủ sở hữu tác phẩm không đồng thời là tác giả (Doanh nghiệp sở hữu chương trình máy tính do nhân viên của mình lập trình/ thuê đơn vị khác lập trình). Việc chứng minh quyền sở hữu chương trình máy tính sẽ rất khó khăn, tốn kém thời gian, công sức khi tranh chấp xảy ra. Do đó, các bên nên quy định một cách rõ ràng trong hợp đồng, thoả thuận bằng văn bản về quyền sở hữu trí tuệ đối với chương trình máy tính khi nâng cấp, cập nhật từ chương trình máy tính ban đầu.
Không tự động bảo hộ nội dung và dữ liệu đi kèm chương trình máy tính
Một điểm mà Quý bạn đọc rất cần lưu ý khi đăng ký bảo hộ Chương trình máy tính đó là nội dung và dữ liệu của chương trình máy tính sẽ không được tự động bảo hộ đồng thời với việc bảo hộ Chương trình máy tính.
Quý bạn đọc có thể xem ví dụ về một Phần mềm máy tính dưới đây:
Như vậy, Chương trình máy tính sẽ không được bảo hộ dữ liệu đi kèm tại Cục bản quyền tác giả. Điều này có nghĩa là đối với một số doanh nghiệp cung cấp chương trình máy tính có bao gồm dữ liệu (chẳng hạn đối với các doanh nghiệp start up giáo dục thông qua nền tảng trực tuyến, dữ liệu về bài học được biên soạn và cung cấp cho người dùng thông qua chương trình máy tính) thì việc đăng ký bảo hộ Chương trình máy tính chỉ đủ để bảo hộ mã nguồn của chương trình máy tính mà chưa bao gồm dữ liệu đối với chương trình máy tính. Trong khi đó, bộ sưu tập dữ liệu vẫn được bảo hộ bản quyền nếu đáp ứng được điều kiện quy định tại Khoản 22.2 Luật Sở hữu trí tuệ: “Sưu tập dữ liệu là tập hợp có tính sáng tạo thể hiện ở sự tuyển chọn, sắp xếp các tư liệu dưới dạng điện tử hoặc dạng khác. Việc bảo hộ quyền tác giả đối với sưu tập dữ liệu không bao hàm chính các tư liệu đó, không gây phương hại đến quyền tác giả của chính tư liệu đó.”
Như vậy, trường hợp Quý độc giả có nhu cầu bảo hộ chương trình máy tính kèm theo nội dung dữ liệu thì ngoài việc đăng ký bảo hộ chương trình máy tính, Quý bạn đọc cần bổ sung thêm phương pháp khác để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ đối với bộ sưu tập dữ liệu/ dữ liệu đi kèm với chương trình máy tính.
Trường hợp Quý bạn đọc muốn tìm hiểu kỹ hơn về các quy định của pháp luật cũng như thủ tục pháp lý liên quan đến việc bảo hộ chương trình máy tính thì có thể tham khảo thêm các bài viết sau đây:
- Quy định của pháp luật Việt Nam về bảo hộ chương trình máy tính (Link: https://laf.vn/so-huu-tri-tue/bao-ho-chuong-trinh-may-tinh-nhung-luu-y-cho-tac-gia-chu-so-huu-chuong-trinh-may-tinh/)
- Thủ tục đăng ký và chuyển giao quyền tác giả đối với chương trình máy tính (Link: https://laf.vn/so-huu-tri-tue/thu-tuc-dang-ky-chuyen-giao-quyen-tac-gia-doi-voi-chuong-trinh-may-tinh/)
Ảnh bìa: medium.com