CHUYỂN GIAO QUYỀN SỬ DỤNG NHÃN HIỆU
Hỏi: Hiện công ty tôi đã đăng kí bảo hộ nhãn hiệu. Trong thời gian tới, vì mục đích kinh doanh nên tôi muốn chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu cho bên khác, tuy nhiên vẫn được sử dụng nhãn hiệu này. Xin luật sư tư vấn thủ tục giúp tôi. Xin cảm ơn
Trả lời:
Để đáp ứng được các yêu cầu của Công ty trong việc chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu cho pháp nhân khác để sử dụng, đồng thời vẫn giữ được quyền sở hữu, sử dụng nhãn hiệu này, hai bên cần phải thỏa thuận lập Hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu không độc quyền.
Căn cứ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, cụ thể Điều 141, Điều 143 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản. Hợp đồng này phải ở dạng không độc quyền để công ty anh chị vẫn có quyền sử dụng nhãn hiệu, và được quyền ký kết hợp đồng sử dụng nhãn hiệu với bên thứ ba (nếu có).
Hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu phải có nội dung chủ yếu theo quy định tại Điều 144 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, cụ thể các nội dung gồm:
a) Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền;
b) Căn cứ chuyển giao quyền sử dụng;
c) Dạng hợp đồng;
d) Phạm vi chuyển giao, gồm giới hạn quyền sử dụng, giới hạn lãnh thổ;
đ) Thời hạn hợp đồng;
e) Giá chuyển giao quyền sử dụng;
g) Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền.
Mặc dù Hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu sẽ có hiệu lực theo thỏa thuận giữa các bên, tuy nhiên chúng chỉ có hiệu lực đối với bên thứ ba khi hợp đồng này đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do vậy, hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu phải được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu theo quy định tại Khoản 47.2 Điều 1 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN gồm:
a) 02 bản Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, làm theo mẫu 02-HĐSD quy định tại Phụ lục D của Thông tư này;
b) 02 bản hợp đồng (bản gốc hoặc bản sao hợp lệ); nếu hợp đồng làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải kèm theo bản dịch hợp đồng ra tiếng Việt; hợp đồng có nhiều trang thì từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc đóng dấu giáp lai;
c) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, nếu quyền sở hữu công nghiệp tương ứng thuộc sở hữu chung;
d) Giấy ủy quyền (nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện);
e) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).
Sau khi thực hiện thủ tục đăng ký Hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu, phía đối tác sẽ được sử dụng nhãn hiệu, đồng thời Công ty anh/chị vẫn được sử dụng nhãn hiệu này.
Trên đây là ý kiến tư vấn của Le & Associates về vấn đề chuyển quyền sở hữu nhãn hiệu. Le & Associates có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Để được hướng dẫn chi tiết hoặc tìm hiểu về dịch vụ pháp lý của chúng tôi, mời Quý khách hàng liên hệ tới tổng đài 1900 6239 hoặc tới trụ sở/chinhánh Công ty để được tự vấn trực tiếp.