QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ BẢO HỘ CHƯƠNG TRÌNH MÁY TÍNH
Chúng ta đang từng ngày, từng phút chứng kiến sự thay đổi lớn trong đời sống cũng như cách thức làm việc, sản xuất và kinh doanh nhờ những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sự kết hợp của công nghệ giúp xoá nhòa ranh giới của lĩnh vực vật lý, số hoá và sinh học thông qua ba yếu tố cốt lõi bao gồm: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối – Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). Liên quan đến cả ba yếu tố cốt lõi nói trên, chương trình máy tính ngày càng chứng tỏ vai trò to lớn trong đời sống xã hội bởi nó có thể thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và tương tác.
Tuy nhiên, với những đặc điểm đặc thù như: dễ tiếp cận, sao chép và phổ biến, vấn đề bảo hộ chương trình máy tính có ý nghĩa rất quan trọng và đang được nhiều người quan tâm trong thời gian qua. Vì vậy, Chúng tôi sẽ cung cấp cho Quý bạn đọc một số thông tin, kiến thức pháp lý chung về vấn đề bảo hộ chương trình máy tính theo quy định pháp luật hiện hành ở Việt Nam. Trường hợp Quý bạn đọc muốn tìm hiểu kỹ hơn về thủ tục pháp lý liên quan đến việc bảo hộ chương trình máy tính cũng như các vấn đề phát sinh trên thực tiễn thì có thể tham khảo thêm các bài viết sau đây:
- Một số lưu lý khi bảo hộ chương trình máy tính theo pháp luật hiện hành ở Việt Nam (Link: https://laf.vn/so-huu-tri-tue/mot-so-luu-y-khi-bao-ho-chuong-trinh-may-tinh-theo-phap-luat-viet-nam/)
- Thủ tục đăng ký và chuyển giao quyền tác giả đối với chương trình máy tính (Link: https://laf.vn/so-huu-tri-tue/thu-tuc-dang-ky-chuyen-giao-quyen-tac-gia-doi-voi-chuong-trinh-may-tinh/)
Hình thức bảo hộ Chương trình máy tính
Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 định nghĩa: “Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các mã lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kì dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể”.
Khoản 1 Điều 22 của Luật sở hữu trí tuệ cũng quy định: “Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy”. Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 59 Luật Sở hữu trí tuệ quy định chương trình máy tính là một trong những đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế.
Như vậy, Chương trình máy tính chỉ được bảo hộ dưới dạng Quyền tác giả theo Luật Sở hữu trí tuệ.
Cơ sở để quy định chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học?
Thứ nhất, quy định của pháp luật Việt Nam phải phù hợp với những những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Công ước Berne (1971) về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật & Hiệp định TRIPS[1]).
- Công ước Berne quy định: chương trình máy tính được bảo hộ như một tác phẩm văn học và
- Khoản 1 Điều 10 Hiệp định TRIPS quy định: các chương trình máy tính, dù dưới dạng mã nguồn hay mã máy, đều phải được bảo hộ như tác phẩm văn học theo Công ước Berne.
Để đảm bảo pháp luật quốc gia phù hợp với Điều ước quốc tế nói trên, Chương trình máy tính được bảo hộ dưới dạng Bản quyền tác giả tương tự như một tác phẩm văn học dù dưới dạng mã nguồn hay mã máy.
Thứ hai, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định: ‘‘Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký’’ (Điều 6). Như vậy, nguyên tắc bảo hộ tự động theo pháp luật quyền tác giả có tác động rất tích cực đối với việc bảo hộ chương trình máy tính. Điều này có nghĩa là thời điểm phát sinh quyền tác giả đối với một chương trình máy tính là kể từ lúc chương trình đó được định hình dưới một dạng vật chất nhất định mà không cần phải tiến hành bất kỳ một thủ tục nào.
Thứ ba, tác giả/ chủ sở hữu chương trình máy tính sẽ bị thiệt hại về mặt kinh tế khi những chương trình này bị sao chép một cách bất hợp pháp. Như vậy, đối với một chương trình máy tính, quyền tài sản quan trọng nhất là quyền sao chép tác phẩm. Khi bảo hộ chương trình máy tính theo hình thức quyền tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có thể vận dụng các quyền quy định tại Khoản 6 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ để cấm chủ thể khác sao chép chương trình máy tính một cách bất hợp pháp. Như vậy, bảo hộ chương trình máy tính dưới dạng tác phẩm sẽ tạo ra cơ chế mạnh nhất nhằm ngăn cản sự sao chép bất hợp pháp chương trình máy tính và thậm chí là ngăn cản chủ thể khác làm tác phẩm phái sinh khi chưa xin phép tác giả/ chủ sở hữu chương trình máy tính.
Thứ tư, quyền tác giả chỉ bảo hộ hình thức tác phẩm mà không bảo hộ về nội dung, ý tưởng của tác phẩm. Do vậy, khi chương trình máy tính được bảo hộ dưới dạng tác phẩm thì nó sẽ không ngăn cản những chủ thể khác tiến hành phân tích ngược để giải mã tìm ra nguyên lý hoạt động, cấu trúc của chương trình máy tính; từ đó phát triển, cải tiến chương trình máy tính. Điều này có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế – xã hội, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp phần mềm phát triển nhanh chóng.
[1] Hiệp định TRIPS về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ được ký kết ngày 15/4/1994 và có hiệu lực từ ngày 01/01/1995 cùng với sự ra đời của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hiệp định TRIPS là một điều ước quốc tế đa phương quan trọng về sở hữu trí tuệ. Các quy định của Hiệp định này có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý đối với tất cả các Thành viên WTO. Hiệp định TRIPS có hiệu lực với Việt Nam ngay từ khi Việt Nam trở thành Thành viên của WTO (năm 2007).
Ảnh bìa: springboard.com