Vừa qua, cuộc họp của Nghị viện châu Âu (EP) tại Stassburg để thông qua Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU – EVFTA là một dấu mốc quan trọng trong chặng đường đàm phán của các bên suốt 10 năm qua. Tỷ lệ bỏ phiếu ủng hộ là 63,33% (401 phiếu ủng hộ, 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng).
Hợp tác đôi bên cùng có lợi
EU – Việt Nam đều có thể đạt được những lợi ích nhất định khi Hiệp định EVFTA được thông qua. Chính vì vậy, một trong những người tích cực ủng hộ cho EVFTA, Nghị sĩ Karin Karlsbro của nhóm các đảng “Đổi mới châu Âu” nhận định “Đây là hiệp định thương mại tham vọng nhất mà EU từng đàm phán với một quốc gia phát triển” và vì vậy bà không ngần ngại khẳng định rằng “Hãy để chúng tôi bỏ phiếu cho Hiệp định này”.
Về phía Việt Nam, EVFTA là cơ hội để Doanh nghiệp Việt thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng như giày dép, dệt may, đồ gỗ, nông thủy sản, thực phẩm … ; đồng thời, người tiêu dùng trong nước cũng sẽ được hưởng lợi, nhờ EVFTA người tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu từ châu Âu có chất lượng tốt mà giá thành hợp lý như máy móc thiết bị, dược phẩm, sữa và sản phẩm từ sữa, ô tô nguyên chiếc …
Song song với những tác động tích cực cho hoạt động thương mại quốc tế, Hiệp định EVFTA cũng tạo tiền đề để thúc đẩy dòng vốn đầu tư Việt Nam – EU. Chắc chắn trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu nhằm đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật “khắt khe” của EU, các Doanh nghiệp trong nước sẽ phải tìm cách tiếp cận với công nghệ và nguồn vốn của các Nhà đầu tư đến từ EU. Sự hợp tác này sẽ đem tới cơ chế hợp tác hai bên cùng có lợi “win – win” cho các bên vì Nhà đầu tư EU cũng sẽ được hưởng một số thuận lợi nhất định như tận dụng được cơ sở hạ tầng, đất đai, nhân sự … sẵn có của Doanh nghiệp Việt Nam. Có thể nói EVFTA sẽ mở ra cơ hội cho cả hai phía nếu Doanh nghiệp sớm nhận ra những lợi ích mà EVFTA đem lại.
Cơ hội cho người “đi trước”: ai là kẻ thức thời?
Như đã phân tích, cả thương mại quốc tế và đầu tư đều sẽ đem lại lợi ích cho cả EU và Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực trong quá trình đàm phán hiệp định này, nhờ vậy tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia thứ hai (chỉ sau Singapore) đã hoàn tất quá trình đàm phán để ký kết và thông qua.
Tuy nhiên, Nhà đầu tư trong nước nên lưu ý rằng sau khi đạt được các hiệp định thương mại tự do với Singapore và Việt Nam, EU tiếp tục nỗ lực hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ thoả thuận các FTA với các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines. Như vậy, để nắm chắc được những cơ hội mà EVFTA đem lại, Doanh nghiệp Việt nên và cần rất nhanh chóng xây dựng phương hướng phát triển nhằm kịp thời tận dụng lợi thế mà hiệp định này mang lại trong giai đoạn sắp tới. Bên cạnh đó, một trong những điểm mà Doanh nghiệp Việt cần chú tâm đó là việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Trong quá trình làm việc, hỗ trợ Nhà đầu tư nước ngoài làm việc với các đối tác Việt Nam, Chúng tôi nhận thấy rằng đặc điểm của những tập đoàn lớn đến từ châu Âu là mối quan tâm đến hoạt động tuân thủ pháp luật của đối tác. Không Nhà đầu tư nước ngoài nào có thể yên tâm làm việc, hợp tác hoặc ra quyết định đầu tư vào một Doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mực tới các khía cạnh pháp lý. Chính bởi vậy, dù việc cắt giảm thuế EU – Việt Nam còn phụ thuộc vào lộ trình, dù dòng vốn đầu tư được dự báo là chưa tăng vọt trong giai đoạn trước mắt nhưng cơ hội trong tương lai chắc chắn sẽ chỉ đến khi Doanh nghiệp biết đón đầu, sớm hoàn thiện hoá phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và coi trọng quản trị rủi ro pháp lý. Đây sẽ là những động lực để thu hút nguồn vốn, cải thiện công nghệ và mở ra cơ hội hợp tác với những Nhà đầu tư đến từ EU.
Không chỉ đòi hỏi sự “thức thời” từ phía khối tư nhân, EVFTA cũng đã đặt ra yêu cầu cấp bách cho Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường pháp lý.
Le & Associates luôn đồng hành cùng Doanh nghiệp
Trong hoạt động tư vấn pháp lý cho các đầu tư nước ngoài nghiên cứu, lập và triển khai dự án đầu tư vào Việt Nam, Le & Associates nhận thấy Nhà đầu tư nước ngoài thường có những e ngại, lo lắng đối với các vấn đề pháp lý như quy định pháp luật về thủ tục hành chính chưa rõ ràng và thực tiễn giải quyết các thủ tục hành chính đó tại Cơ quan nhà nước thường phát sinh rất nhiều vấn đề nằm ngoài dự đoán của Nhà đầu tư nước ngoài.
Qua nhiều năm hỗ trợ, sát cánh với Nhà đầu tư, Chúng tôi cũng rất hi vọng Dự thảo Sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư sẽ sớm được thông qua vì đây là những Luật có sức ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Thực tiễn cho thấy việc sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật luôn đòi hỏi phải có thời gian và vì vậy sửa đổi pháp luật luôn có một độ trễ nhất định so với sự phát triển và nhu cầu của xã hội. Trong giai đoạn các quy định pháp luật còn đang được rà soát, nghiên cứu sửa đổi, Le & Associates luôn mong muốn có thể đồng hành cùng Doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn để tìm ra những giải pháp hiệu quả về mặt kinh tế và phù hợp với pháp luật. Mục tiêu đó là động lực để Le & Associates góp một phần sức mình vào hoạt động hỗ trợ, kết nối mối quan hệ hợp tác giữa Nhà đầu tư EU với Doanh nghiệp Việt.
Nguồn: http://www.trungtamwto.vn/