MỘT SỐ THAY ĐỔI TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ TỪ HIỆP ĐỊNH EVFTA
Sáng ngày 08/06 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã có phiên họp toàn thể thông qua Nghị quyết phê chuẩn EVFTA, theo đó Hiệp định này dự kiến sẽ có hiệu lực chính thức kể từ ngày 01/08/2020.
Hiệp định EVFTA là một hiệp định toàn diện, bao gồm 17 chương và đề cập đến rất nhiều khía cạnh thương mại khác nhau như xuất nhập khẩu, tự do hóa đầu tư, thương mại điện tử và thương mại dịch vụ, các vấn đề về cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp, v.v. Trong số những lĩnh vực nói trên, vấn đề về sở hữu trí tuệ ngày càng được quan tâm hơn trước bởi Doanh nghiệp Việt đã và đang ý thức rất rõ rằng nỗ lực phát triển và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao giá trị thương hiệu của mình trên thị trường quốc tế. Do đó, trong khuôn khổ bài viết này, Le & Associates trân trọng giới thiệu, cập nhật cho Quý bạn đọc một số điểm lưu ý về ảnh hưởng EVFTA đến pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam.
Nhãn hiệu Hàng hoá – Lưu ý về chấm dứt hiệu lực đối với nhãn hiệu không “sử dụng thực sự”
Các quy định của EVFTA bổ sung chi tiết hơn trường hợp nhãn hiệu đã đăng ký sẽ bị chấm dứt hiệu lực.
Trước đây, theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ tại Điều 95.1(d) thì “nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực”. Hiệp định EVFTA đưa ra quy định mang tính chặt chẽ hơn vì đã bổ sung yếu tố “sử dụng thực sự” thay vì chỉ yêu cầu là có hành vi sử dụng như trước.
Ảnh: vccinews.vn
Yếu tố “sử dụng thực sự” được giải thích là “việc sử dụng trên thực tế vì mục đích kinh doanh hàng hóa hoặc dịch vụ liên quan để đạt được lợi thế thương mại. Một cách tổng quát, sử dụng thực sự là việc bán trên thực tế và phải có hành động bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ trong khoảng thời gian quy định. Việc sử dụng trong quảng cáo có thể được coi là sử dụng thực sự. Tuy nhiên, các bước chuẩn bị đơn thuần không được coi là đã sử dụng thực sự. Sử dụng thực sự trái ngược với việc sử dụng trên danh nghĩa hay giả vờ sử dụng chỉ để duy trì nhãn hiệu trong đăng bạ”.
Với sự thay đổi quy định này, chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ cần phải lưu ý để tránh trường hợp nhãn hiệu của mình bị chấm dứt bảo hộ, đặc biệt là khi trước đó đã thực hiện đăng ký nhiều nhãn hiệu liền kề nhau để mở rộng phạm vi bảo hộ đối với một nhãn hiệu chính.
Để tránh khả năng bị chấm dứt quyền sở hữu đối với nhãn hiệu do quy định mới của hiệp định EVFTA, chủ sở hữu Nhãn hiệu cần phải bắt đầu (đối với trường hợp chưa sử dụng từ khi đăng ký) hoặc tiếp tục trước ít nhất 03 tháng tính đến ngày có yêu cầu đình chỉ. Việc bắt đầu hoặc tiếp tục sẽ có thể không được công nhận nếu chúng chỉ được thực hiện vì lý do chủ sở hữu biết được là sắp có yêu cầu chấm dứt bảo hộ nhãn hiệu được nộp mà không vì chủ đích sử dụng nhãn hiệu đó vào sản xuất, kinh doanh hoặc quảng cáo.
Chỉ dẫn địa lý
Trước hết, tại Việt Nam sẽ có 169 chỉ dẫn địa lý (chủ yếu là rượu và thực phẩm) của EU được bảo hộ tại Việt Nam, danh sách này được quy định tại Phụ lục 12-A của Hiệp định EVFTA. Hiện nay, một số nhãn hiệu có dấu hiệu trùng hoặc tương tự với những chỉ dẫn nói trên đã hoặc đang được đăng ký ở Việt Nam. Trong trường này, nhãn hiệu sẽ không được coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nếu đã được nộp đơn hoặc đăng ký một cách trung thực tại Việt Nam trước “ngày thích hợp”.
Ảnh: baochinhphu.vn
Danh mục các chỉ dẫn địa lý nói trên chỉ có thể được sửa đổi theo thủ tục sửa đổi hiệp định EVFTA. Những chỉ dẫn địa lý này nếu không còn được bảo hộ EU cũng sẽ đương nhiên không được bảo hộ tại Việt Nam.
Một số ngoại lệ:
Đối với 04 chỉ dẫn địa lý về pho-mát của EU (“Asiago”, “Fontina”, “Gorgonzola” và “Feta”) đang được sử dụng như tên gọi sản phẩm pho-mát ở một số nước, thì việc bảo hộ 04 chỉ dẫn địa lý nói trên sẽ không cản trở các doanh nghiệp bất kỳ được tiếp tục sử dụng các tên gọi này trên thị trường Việt Nam cho sản phẩm pho-mát từ trước ngày 01/01/2017, và cả những người kế nghiệp (successor) của họ. Trường hợp còn lại, những doanh nghiệp sử dụng tên gọi nói trên sau ngày 01/01/2017 sẽ không có quyền sử dụng các dấu hiệu trùng hoặc tương tự với các chỉ dẫn này.
Đối với 01 chỉ dẫn địa lý về rượu của EU (“champagne”) đang được sử dụng như tên gọi chung (vang sủi bọt), thì tên gọi này vẫn sẽ được tiếp tục sử dụng chung trong vòng 10 năm kể từ ngày EVFTA có hiệu lực, tuy nhiên, sau thời hạn đó, thị trường Việt Nam sẽ phải sử dụng tên gọi khác cho sản phẩm vang sủi bọt mà lâu nay vẫn gọi là rượu “sâm-panh” khi đưa ra thị trường, và chỉ dẫn địa lý này sẽ được bảo hộ toàn diện tại Việt Nam. Vì lẽ đó, các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm trong nhóm “rượu vang” tại Việt Nam mà hiện đang sử dụng tên gọi chung là “champagne” (hay bản dịch, bản phiên âm hoặc phiên tự của từ này) cho sản phẩm của mình sẽ cần phải dần thay đổi thói quen người tiêu dùng Việt Nam trong cách gọi tên sản phẩm vang sủi bọt để giảm bớt các lợi ích vô hình có thể mất đi khi hết thời hạn 10 năm chuyển tiếp của Hiệp định.
Thay đổi về kiểu dáng công nghiệp
Khi EVFTA có hiệu lực, pháp luật về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam sẽ cần bổ sung thêm quy định về điều kiện bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp của một bộ phận trong một sản phẩm phức hợp, cụ thể chúng phải nhìn thấy được trong quá trình sử dụng và phần nhìn thấy phải đáp ứng điều kiện về tính mới và tính nguyên gốc ( “tính nguyên gốc” – originality, đồng nghĩa với “tính sáng tạo” theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành).
Thay đổi về sáng chế
Hiệp định EVFTA sẽ bổ sung thêm “cơ chế đến bù thỏa đáng”, áp dụng trong trường hợp sáng chế là dược phẩm bị rút ngắn thời hạn khai thác sáng chế do “chậm trễ bất hợp lý” trong khâu xử lý đơn xin cấp phép lưu hành dược phẩm đó. Một trường hợp bị coi là “chậm trễ bất hợp lý” khi trong vòng 24 tháng kể từ ngày nộp đơn xin cấp phép lưu hành mà cơ quan quản lý dược không có phản hồi nào. Sự đền bù có thể dưới hình thức kéo dài thời gian bảo hộ sáng chế nhưng không quá 02 năm.
Như vậy, có thể nói rằng pháp luật sở hữu trí tuệ tới đây sẽ có một số sự thay đổi nội dung mà các doanh nghiệp cần phải lưu tâm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong trường hợp Quý bạn đọc hoặc Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào cần giải đáp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Le & Associates luôn sẵn sàng giải đáp phù hợp nhất có thể.
Ảnh bìa: vccinews.vn