ĐIỀU KIỆN ĐỂ TỔ CHỨC, CÁ NHÂN NƯỚC NGOÀI SỞ HỮU NHÀ Ở TẠI VIỆT NAM
Hiện nay, nhu cầu sở hữu nhà ở tại Việt Nam của cá nhân, tổ chức nước ngoài ngày càng cao. Le&Associates sẽ tư vấn cụ thể các vấn đề cần lưu ý theo quy định của pháp luật.
1. Căn cứ pháp lý:
- Luật nhà ở 2014
- Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật nhà ở
2. Đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam
Điều kiện: Tổ chức, cá nhân phải có Giấy chứng nhận đầu tư và có nhà ở được xây dựng trong dự án đó.
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của
doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (tổ chức nước ngoài);
Điều kiện: Tổ chức nước ngoài có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động tại Việt Nam do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp và còn hiệu lực tại thời điểm ký kết các giao dịch về nhà ở.
- Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
Điều kiện: cá nhân phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam (hộ chiếu còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam) và không thuộc diện được quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao theo quy định của Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự và cơ quan Đại diện của Tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
3. Hình thức sở hữu nhà ở hợp pháp theo quy định của pháp luật
- Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật nhà ở và pháp luật có liên quan;
- Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.
Tuy nhiên, pháp luật cũng có một số quy định hạn chế đối với việc sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Pháp luật cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài có các quyền sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam nhưng phải tuân thủ:
- Chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư; nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá hai trăm năm mươi căn nhà;
- Đối với cá nhân nước ngoài thì được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong các giao dịch hợp đồng mua bán, thuê mua, tặng cho nhận thừa kế nhà ở nhưng tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận và có thể được gia hạn thêm theo quy định của Chính phủ nếu có nhu cầu; thời hạn sở hữu nhà ở phải được ghi rõ trong Giấy chứng nhận;
- Đối với tổ chức nước ngoài thì được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong các giao dịch hợp đồng mua bán, thuê mua, tặng cho, nhận thừa kế nhà ở nhưng tối đa không vượt quá thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư cấp cho tổ chức đó, bao gồm cả thời gian được gia hạn thêm; thời hạn sở hữu nhà ở được tính từ ngày tổ chức được cấp Giấy chứng nhận và được ghi rõ trong Giấy chứng nhận.
Trên đây là tư vấn của Le & Associates về điều kiện để tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Để được hướng dẫn chi tiết hoặc tìm hiểu về dịch vụ pháp lý của chúng tôi, mời Quý khách hàng liên hệ tới tổng đài 1900 6239 hoặc tới trụ sở/chi nhánh Công ty chúng tôi để được tư vấn trực tiếp.